Không chỉ trở thành người bạn đồng hành cùng với nông dân trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinappro) còn khẳng định được vị thế của một thương hiệu máy nông nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Đột phá trước sức ép từ máy nông nghiệp Trung Quốc
Ra đời năm 1967, Công ty Vikyno & Vinappro khởi đầu là một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và lắp ráp các loại động cơ diesel, máy cày tay và các loại máy thủy thương hiệu Kobuta và Yanmar của Nhật Bản. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển và thị trường chỉ bó hẹp trong phạm vi miền Nam nên sản lượng máy cung cấp cho thị trường rất khiếm tốn.
Sau ngày đất nước thống nhất, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế bao cấp, Vikyno & Vinappro từ chỗ là một đơn vị chuyên lắp ráp động cơ, máy nông nghiệp chuyển sang làm… máy bơm nước phục vụ các công trình thủy lợi. Sau đó, công ty tiếp tục được giao sản xuất các loại máy công cụ. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật thời kỳ này còn hạn chế nên mỗi năm nhà máy chỉ cung cấp cho thị trường …vài chục sản phẩm. “Đây có thể nói là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của công ty”, Tổng giám đốc Công ty Vikyno & Vinappro Trần Vạn Tuấn Anh cho hay.
Đầu thập niên 90, Vikyno & Vinappro được Nhà nước đầu tư một số thiết bị quan trọng trong gia công cơ khí, rèn dập của một số nước Đông Âu nên việc sản xuất động cơ diesel – thế mạnh một thời của đơn vị được khôi phục trở lại. Thế nhưng, khi việc sản xuất động cơ chỉ mới manh nha hình thành trở lại thì Vikyno & Vinappro lại đứng trước lằn ranh “sinh tử” khi các loại máy nông nghiệp Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường. Trong khi đó, các loại động cơ đời cũ vừa mới được khôi phục phát triển trở lại của công ty lại không được đông đảo nông dân đón nhận. “Những khó khăn thử thách đó đòi hỏi công ty phải thay đổi để tồn tại”, ông Trần Vạn Tuấn Anh chia sẻ.
Năm 1995, trước đòi hỏi phải thay đổi để tồn tại, Vikyno & Vinappro nối lại quan hệ hợp tác với Tập đoàn Kubota, một “ông lớn” về sản xuất máy nông nghiệp của Nhật Bản. Không chỉ đưa kỹ sư sang Kubota tu nghiệp, Vikyno & Vinappro còn đầu tư mua bản quyền thiết kế, công nghệ sản xuất động cơ diesel thế hệ mới nhất của Nhật Bản.
Thành quả cho bước đi “chiến lược” này là sự ra đời của 2 loại động cơ diesel RV70 và RV 125-2 nhận được sự đón nhận tích cực của nông dân trên cả nước. “Với 2 loại động cơ này, các loại máy cày, máy xay… của Vikyno & Vinappro đã được người nông dân đón nhận nhiệt tình. Từ chỗ gần như đánh mất thị trường bởi các loại máy nông nghiệp Trung Quốc, các sản phẩm của công ty đã chiếm lại được đến 25% thị phần máy nông nghiệp trên địa bàn cả nước. Riêng tại Đồng Nai, các sản phẩm máy nông nghiệp của công ty chiếm khoảng 30% thị phần”, ông Nguyễn Khắc Vân, Trưởng phòng Kinh doanh và thị trường Công ty Vikyno & Vinappro cho biết.
Cũng theo ông Vân, từ chỗ mỗi năm chỉ có vài trăm sản phẩm cung cấp ra thị trường, đến nay con số này đã lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. Doanh thu của doanh nghiệp nhờ đó cũng được nâng cao. “10 năm trước, doanh thu của công ty chỉ khoảng 140 tỷ đồng thì hiện nay con số đó đã tăng hơn 4 lần”, ông Nguyễn Khắc Vân thông tin.
Đưa máy nông nghiệp “made in Việt Nam” ra thế giới
Sau thành công khi lấy được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, Vikyno & Vinappro lại hướng đến mục tiêu cao hơn nhưng cũng khó khăn hơn: đưa máy nông nghiệp Việt ra thế giới.
Năm 1996, những sản phẩm động cơ diesel, máy cày, máy xay thương hiệu Vikyno & Vinappro bắt đầu xuất hiện tại thị trường một số nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Campuchia… Với chất lượng đã được khẳng định, các sản phẩm này trở thành đối thủ cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm cùng loại đến từ nhiều nền sản xuất tiên tiến cũng như nhận được sự tin dùng của nông dân các nước trong vùng.
Từ “bàn đạp” khởi đầu đó, đến nay, sau hơn 20 năm, các sản phẩm của Vikyno & Vinappro đã có mặt tại thị trường của 25 quốc gia trên thế giới, từ Đông Nam Á, sang Trung Đông, châu Phi và đến tận Nam Mỹ. “Nếu doanh thu xuất khẩu 20 năm trước chỉ vài trăm ngàn USD thì đến nay, mỗi năm công ty đã đạt mức 12 triệu USD”, ông Trần Vạn Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Anh, với mục tiêu không ngừng phát triển và mở rộng thị trường, ngoài việc trực tiếp sản xuất, xuất khẩu thì Vikyno & Vinappro cũng đang nỗ lực thực hiện chiến lược trở thành đơn vị gia công hàng phụ trợ cho các tập đoàn lớn như: Toshiba, Honda (Nhật Bản); Bonfiglioli (Ý)… nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng tôi đã đầu tư hơn 180 tỷ đồng để mua các máy móc thiết bị hiện đại để vừa hiện đại hóa dây chuyền sản xuất vừa tham gia gia công để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp phụ trợ cả ở trong nước và quốc tế”, ông Anh nhấn mạnh.